3C là mô hình phân tích 3 yếu tố cốt lõi Khách hàng (Customer), Đối thủ cạnh tranh (Competitor) và Công ty (Company) để định hướng chiến lược marketing của doanh nghiệp. Mô hình 3C giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng thị trường, đánh giá mối quan hệ với các đối thủ cạnh tranh và xác định vị thế của chính mình, đồng thời đưa ra những giải pháp chiến lược hiệu quả trong kinh doanh.
Chắc hẳn có nhiều người đã từng nghe về mô hình phân tích 3C nhưng chưa thực sự hiểu rõ về nó hoặc đang tự hỏi “Lợi ích thực sự của phân tích 3C là gì?”
Bài viết lần này sẽ chia sẻ những kiến thức cơ bản, vai trò của phân tích mô hình 3C cũng như cách thức tiến hành phân tích.
Phân tích 3C là gì?
Phân tích 3C là mô hình được ứng dụng vào việc đánh giá mức độ thành công của chiến lược marketing thông qua các yếu tố liên quan, bao gồm: Khách hàng (Customer), Đối thủ cạnh tranh (Competitor) và Công ty (Company).
Cụ thể như sau:
・Customer – Khách hàng: Xu hướng thị trường và nhu cầu của khách hàng, bao gồm quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng, hành vi tiêu dùng, v.v.
・Competitor – Đối thủ cạnh tranh: Tình trạng của đối thủ cạnh tranh bao gồm điểm mạnh/điểm yếu của đối thủ cạnh tranh, thị phần, vị thế trên thị trường, v.v.
・Company – Công ty: Tình hình công ty bao gồm nguồn lực quản lý, hình ảnh thương hiệu, nhân sự, kiến thức chuyên môn, v.v.
Phân tích 3C được đặt tên dựa trên ba chữ cái ‘C’ đại diện cho ba yếu tố chính và là mô hình được phát triển bởi Ohmae Kenichi – nhà hoạch định chiến lược nổi tiếng người Nhật Bản. Chiến lược 3C được biết đến rộng rãi vào năm 1982 trong cuốn “The Mind of the Strategist” của ông.
Khi nói về mô hình 3C, cố vấn quản lý Kenichi Ohmae nhận định: “Khi xây dựng bất kỳ một chiến lược kinh doanh nào, doanh nghiệp đều phải xem xét 3 yếu tố chính”. Ông gọi 3C này là ‘tam giác chiến lược” trong đó các yếu tố vừa ảnh hưởng lẫn nhau vừa có mối quan hệ khác biệt.
Phân biệt mô hình 3C và SWOT
Phân tích SWOT là một mô hình tương tự như phân tích 3C. Tuy nhiên, các yếu tố được phân tích và mục đích sử dụng của hai mô hình này sẽ có sự khác biệt.
Trước tiên, hãy xem xét các yếu tố cấu thành phân tích SWOT. SWOT là viết tắt của bốn từ tiếng Anh sau:
S:Strength (Điểm mạnh)
W:Weakness (Điểm yếu)
O:Opportunity (Cơ hội)
T:Threat (Thách thức)
Phân tích SWOT chia thành bốn yếu tố: môi trường bên trong (bao gồm Strength – Điểm mạnh và Weakness – Điểm yếu) và môi trường bên ngoài (bao gồm Opportunity – Cơ hội và Threads – Mối đe dọa). Các yếu tố này được thể hiện dưới dạng ma trận (một bảng dùng để phân tích bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều yếu tố), sẽ giúp doanh nghiệp có thể phân tích chính xác các xu hướng thị trường, bao gồm ưu nhược điểm của công ty cũng như tình hình xã hội xung quanh công ty mình từ đó có thể triển khai kế hoạch kinh doanh và chiến lược marketing hiệu quả.
3C phân tích các khía cạnh nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp dựa trên ba yếu tố Khách hàng (Customer), Đối thủ cạnh tranh (Competitor) và Công ty (Company), với mục đích chính là khám phá điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp. Ngược lại, phân tích SWOT không chỉ giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp đưa ra những hình thức marketing linh hoạt phù hợp với xu hướng thị trường và rủi ro trong tương lai.
Mặc dù cả hai mô hình đều phân tích các yếu tố bằng cách chia thành môi trường nội bộ và bên ngoài, tuy nhiên, phân tích SWOT có khả năng làm rõ một cách khách quan môi trường hiện tại xung quanh doanh nghiệp, chẳng hạn như các cơ hội kinh doanh và các mối đe dọa có thể xảy ra đối với doanh nghiệp. Nếu thực hiện phân tích SWOT sau 3C, doanh nghiệp sẽ có thể xây dựng chiến lược kinh doanh với độ chính xác cao hơn.
Tầm quan trọng của phân tích 3C
Khi quyết định các biện pháp marketing và kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp cần xem xét cả môi trường bên ngoài không thể kiểm soát được như xu hướng thị trường cũng như động thái của đối thủ cạnh tranh và môi trường nội bộ chẳng hạn nguồn lực quản lý, năng lực công nghệ và cơ cấu tổ chức. Trong mô hình phân tích 3C, môi trường bên ngoài được phân tích dưới hai yếu tố là “Khách hàng” và “Đối thủ cạnh tranh”, còn môi trường bên trong sẽ là “công ty”.
Cho dù doanh nghiệp có phát triển và cung cấp dịch vụ hấp dẫn đến đâu, nếu trên thị trường có nhiều dịch vụ tương tự từ các đối thủ cạnh tranh thì rất khó đạt được mức doanh thu như mong muốn.
Do đó, nếu doanh nghiệp áp dụng mô hình phân tích 3C, nhiệm vụ đầu tiên sẽ là phân tích thị trường và nhu cầu khách hàng, sau đó so sánh dịch vụ của mình với đối thủ cạnh tranh để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu trong dịch vụ của công ty mình. Điểm mấu chốt trong phân tích 3C là xác định rõ lợi thế cũng như sức hấp dẫn riêng biệt trong sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mà đối thủ cạnh tranh không có, hay còn gọi là KSF (Các yếu tố thành công then chốt) để làm công cụ thu hút khách hàng của bạn.
3C là mô hình marketing giúp doanh nghiệp trở nên nổi bật hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường và thể hiện được những điểm mạnh độc đáo của mình.
Thời điểm phân tích 3C trong chiến lược Marketing
Khi phát triển xây dựng chiến lược marketing, doanh nghiệp có thể tiến hành theo ba bước sau:
1.Phân tích môi trường
2.Chiến lược cơ bản
3.Biện pháp triển khai
Phân tích 3C thuộc khuôn khổ của bước đầu tiên – Phân tích môi trường. Đây là một biện pháp phân tích môi trường bên ngoài và bên trong doanh nghiệp nhằm làm rõ vị trí và tình hình hiện tại của doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh và toàn cảnh thị trường.
Có rất nhiều mô hình phân tích môi trường, bao gồm phân tích 3C, phân tích PEST (phân tích môi trường bên ngoài doanh nghiệp từ bốn góc độ: chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ) và phân tích SWOT với mục đích xây dựng các chiến lược kinh doanh.
Mỗi mô hình sẽ có quy trình thực hiện và vai trò chính như sau.
1.Phân tích 3C: Tìm kiếm các yếu tố thành công của doanh nghiệp
2.Phân tích PEST: Phân tích môi trường vĩ mô bên ngoài và hiểu tác động của nó đối với doanh nghiệp
3.Phân tích SWOT: Phân tích tình hình khi lập kế hoạch chiến lược quản lý hoặc chiến lược kinh doanh
Vì vậy, việc phân tích môi trường không chỉ dừng lại ở mô hình 3C mà doanh nghiệp còn có thể kết hợp nhiều mô hình khác như phân tích SWOT và phân tích PEST. Trong số đó, phân tích 3C đặc biệt chú trọng vào việc thu thập thông tin về môi trường marketing một cách khách quan.
Phương pháp triển khai mô hình 3C
Thứ tự phân tích theo mô hình 3C bắt đầu từ môi trường bên ngoài “Thị trường/Khách hàng” và “Đối thủ cạnh tranh”, sau đó là phân tích môi trường bên trong “Doanh nghiệp”.
Quy trình cơ bản bao gồm 4 bước sau:
1.Phân tích thị trường/khách hàng: Customer
2.Phân tích sự cạnh tranh: Competitor
3.Kiểm tra thông tin công ty: Company
4.Kết hợp ba yếu tố và rút ra kết luận
Dưới đây chúng tôi sẽ giải thích chi tiết từng bước.
Phân tích thị trường/ khách hàng: Customer
Bước đầu tiên trong mô hình 3C là phân tích thị trường và khách hàng. Hãy ước chừng độ lớn của quy mô thị trường mục tiêu và xác định nhu cầu của khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Trước tiên, phân chia thị trường tổng thể và khách hàng trong thị trường, sau đó tiến hành phân tích từng hạng mục riêng biệt.
<Phân tích thị trường>
- Quy mô thị trường
- Tiềm năng tăng trưởng của thị trường
- Sự biến động của thị trường
<Phân tích khách hàng>
- Nhu cầu của khách hàng
- Hành vi mua hàng của khách hàng
- Quy trình mua hàng
Các mục phân tích thị trường tập trung vào việc đánh giá thị trường mục tiêu và nắm bắt xu hướng thị trường. Các mục phân tích khách hàng sẽ khai thác thông tin về nhu cầu và hành vi mua hàng của khách hàng, từ đó xác định cách tiếp cận phù hợp với từng đối tượng khách hàng cụ thể.
Điều quan trọng trong bước này là bắt đầu bằng cách nắm bắt tổng quan thị trường từ góc nhìn toàn cảnh, tức là “vĩ mô”, sau đó điều tra môi trường xung quanh doanh nghiệp từ góc độ “vi mô”, và cuối cùng tập trung vào từng khách hàng cụ thể. Việc nhìn toàn cảnh thị trường trước khi đi vào chi tiết giúp doanh nghiệp có thể linh hoạt ứng phó khi có sự thay đổi trong thị trường.
2 phương pháp chủ đạo trong phân tích thị trường và khách hàng bao gồm: phân tích vĩ mô và phân tích vi mô. Phân tích vĩ mô giúp doanh nghiệp hiểu rõ xu hướng cũng như điều kiện thị trường chung và phân tích PEST thường được áp dụng để nghiên cứu các nhân tố trong môi trường vĩ mô.
Phân tích PEST là một phương pháp phân tích xu hướng của xã hội dựa trên bốn yếu tố cấu thành thị trường, bao gồm: Chính trị (Politics), Kinh tế (Economy), Xã hội (Society) và Công nghệ (Technology). Phương pháp này được áp dụng để hỗ trợ xây dựng chiến lược marketing.
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố môi trường khác nhau. Thông qua phân tích PEST, doanh nghiệp có thể nhận diện các yếu tố bên ngoài mà mình không thể kiểm soát như xu hướng tiêu dùng, tình hình kinh tế, thay đổi trong tư duy xã hội, và các xu hướng thịnh hành. Dựa trên phân tích này, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với hiện tại và dự đoán tình hình trong tương lai.
Trong khi phân tích vĩ mô tập trung vào việc quan sát toàn cảnh thị trường, thì phân tích vi mô giới hạn ở việc phân tích môi trường xung quanh doanh nghiệp. Một phương pháp tiêu biểu trong phân tích vi mô là phân tích 5 áp lực cạnh tranh (5 Forces), giúp đánh giá năm yếu tố có thể đe dọa đến khả năng sinh lợi của doanh nghiệp.
5 Forces là phương pháp phân tích năm yếu tố trong môi trường ngành có thể dẫn đến sự cạnh tranh, bao gồm: cạnh tranh trong ngành, mối đe dọa từ đối thủ mới, mối đe dọa từ sản phẩm thay thế, sức mạnh thương lượng của nhà cung cấp và sức mạnh thương lượng của khách hàng.
Phương pháp phân tích này không chỉ giúp hiểu sâu về môi trường cạnh tranh và cơ cấu lợi nhuận trong ngành, mà còn hỗ trợ nhận diện chính xác điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp. Kết quả phân tích thu được sẽ hữu ích trong việc phát triển sản phẩm mới hoặc tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới.
Phân tích đối thủ cạnh tranh: Competitor
Trong phân tích đối thủ cạnh tranh, các yếu tố bao gồm thị phần của đối thủ, điểm mạnh và điểm yếu của các sản phẩm hoặc dịch vụ cạnh tranh. Các hạng mục phân tích cụ thể như sau:
【Các hạng mục cần nắm rõ trong phân tích đối thủ】
- Thị phần và xu hướng của các đối thủ cạnh tranh
- Vị trí của các đối thủ cạnh tranh trong ngành
- Các phương án đối phó và hành động dự kiến từ đối thủ cạnh tranh trong tương lai
Quan trọng hơn hết, doanh nghiệp phải biết được cách đối thủ cạnh tranh ứng biến trước những thay đổi của thị trường. Khi thực hiện phân tích đối thủ cạnh tranh, hãy phân chia thành hai phần “Kết quả” và “Nhân tố chính”.
Phân tích kết quả chỉ quá trình điều tra các số liệu chẳng hạn như doanh số, tỷ suất lợi nhuận, thị phần và số lượng khách hàng của đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, hãy chú ý đến cách thức đối thủ cạnh tranh đang sử dụng nguồn lực kinh tế như doanh số bán hàng trên mỗi nhân viên và giá trị đơn hàng trung bình trên mỗi khách hàng
Phân tích yếu tố tập trung vào việc nghiên cứu bối cảnh và hiệu quả dẫn đến các kết quả đã đạt được. Điều này bao gồm việc phân tích các phương pháp bán hàng, cấu trúc tổ chức của doanh nghiệp, quy trình phát triển sản phẩm, và nhiều yếu tố khác để hiểu rõ nguyên nhân đạt được các kết quả đó. Qua đó, có thể làm rõ quy trình doanh thu của các đối thủ cạnh tranh và tìm ra các điểm quan trọng cũng như bí quyết để đạt được lợi nhuận cao hơn.
Phân tích công ty: Company
Sau khi hoàn thành quá trình phân tích 2 môi trường bên ngoài, hãy chuyển sang phân tích môi trường bên trong của doanh nghiệp theo các điểm dưới đây:
【Hạng mục phân tích công ty】
- Tầm nhìn doanh nghiệp
- Doanh thu
- Thị phần
- Khả năng sinh lời
- Công nghệ
- Phân bổ nhân sự
- Cơ cấu nội bộ
Trong phân tích nội bộ, dựa trên các kết quả phân tích trước đó, doanh nghiệp cần xác định điểm mạnh và điểm yếu của mình từ nhiều góc độ khác nhau và làm rõ yếu tố thành công chính (KSF). Khi thực hiện phân tích nội bộ, việc duy trì góc nhìn khách quan là rất quan trọng. Phân tích nội bộ dễ bị thiên lệch và có thể bị ảnh hưởng bởi những kỳ vọng không thực tế. Do đó, doanh nghiệp cần áp dụng các quan điểm tương tự như trong phân tích đối thủ cạnh tranh, tập trung vào các kết quả và yếu tố dẫn đến các kết quả đó để tiến hành phân tích.
Mô hình SWOT và VRIO thường được sử dụng khi phân tích nội bộ doanh nghiệp. VRIO là mô hình phù hợp khi đánh giá các nguồn lực của doanh nghiệp, từ bốn góc độ: giá trị kinh tế, tính hiếm có, khả năng sao chép và tổ chức. Phương pháp này giúp đánh giá lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong thị trường.
Phân tích VRIO không chỉ giúp doanh nghiệp xác định được ưu nhược điểm mà còn khám phá ra “năng lực cốt lõi” của mình, những điểm độc đáo mà các công ty khác không có. Điều này chính là trợ thủ đắc lực của doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược marketing và là một công cụ không thể thiếu trong phân tích tình hình hiện tại của doanh nghiệp.
Lưu ý và bí quyết thực hiện phân tích 3C
Nội dung tiếp theo sẽ liệt kê một số lưu ý cũng như 3 điểm quan trọng khi thực hiện mô hình 3C để doanh nghiệp có thể tiến hành phân tích một cách hiệu quả hơn.
Thứ tự phân tích
Khi tiến hành phân tích 3C, doanh nghiệp hãy chú ý tiến hành theo thứ tự cơ bản: “Thị trường và Khách hàng → Đối thủ cạnh tranh → Công ty”. Khi nhìn vào thứ tự này, không ít người sẽ cho rằng quá trình thực hiện sẽ dễ dàng hơn nếu bắt đầu phân tích từ yếu tố mình hiểu rõ nhất đó là “Doanh nghiệp”. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến cái nhìn hạn hẹp và làm giảm độ chính xác của các phân tích khác. Để nắm bắt chính xác tình hình của doanh nghiệp, nên thực hiện theo quy trình nêu trên càng sát sao càng tốt.
Phân tích nhanh chóng
3C là mô hình yêu cầu thu thập thông tin và dữ liệu một cách chính xác. Tuy nhiên, cần thực hiện thu thập dữ liệu một cách nhanh chóng và ý thức về tốc độ do sự biến động, xu hướng thị trường và động thái của đối thủ cạnh tranh liên tục thay đổi. Nếu quá tập trung vào việc thu thập dữ liệu, thông tin không chỉ ít có tính cập nhật mà còn làm chậm tốc độ xây dựng và thực hiện chiến lược, kéo theo đó là việc phân tích cũng trở nên vô nghĩa.
Chìa khóa thành công trong phân tích 3C là chọn lọc và sắp xếp thông tin được thu thập. Để quá trình phân tích thông tin diễn ra nhanh chóng, hãy thu hẹp nhóm thông tin quan trọng theo mục đích phân tích trước khi tiến hành.
Để nâng cao hiệu quả thu thập thông tin, việc áp dụng các công cụ kỹ thuật số có khả năng thu thập và quản lý thông tin khách hàng một cách tập trung là rất hữu ích. Các công cụ Marketing Automation (MA), Sales Force Automation (SFA), và Customer Relationship Management (CRM) giúp thu thập thông tin về nhu cầu khách hàng và xu hướng đối thủ cạnh tranh. Bằng cách sử dụng các công cụ này để liên tục thu thập và lưu trữ dữ liệu, doanh nghiệp có thể thực hiện phân tích thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Thực hiện phân tích 6C (doanh nghiệp B2B)
6C là mô hình phân tích phù hợp với Marketing B2B. Bên cạnh phân tích 3C thông thường, 6C phân tích thêm 3C của khách hàng doanh nghiệp. Thực hiện phân tích 3C đối với khách hàng doanh nghiệp giúp nắm bắt được môi trường thị trường, mục tiêu và đối thủ cạnh tranh của khách hàng, từ đó cung cấp những đề xuất cụ thể hơn dựa trên nhu cầu của khách hàng. Nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực B2B và thực hiện marketing B2B, phân tích 6C sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn bởi vì nó cho phép phân tích cả doanh nghiệp và khách hàng.
Mô hình phân tích 3C trong thực tiễn
Dưới đây là một số ví dụ điển hình về các công ty áp dụng phân tích 3C.
Starbucks
Lưu ý: Chúng tôi đang phân tích tình huống của Starbucks tại thị trường Nhật Bản.
Thị trường/Khách hàng – Customer
Thị trường ngành kinh doanh quán cà phê đã duy trì ổn định trong khoảng từ 1,02 đến 1,28 nghìn tỷ yên trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng cửa hàng phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động ngày càng tăng, dẫn đến doanh thu năm 2021 giảm xuống còn 776,7 tỷ yên, làm thu hẹp quy mô thị trường.
Starbucks tập trung vào việc thu hút khách hàng nữ bằng cách theo đuổi một không gian tạo cảm giác “thời thượng” và “thông minh” mà họ yêu thích. Trước đây, các quán cà phê ở Nhật Bản chủ yếu phục vụ khách hàng nam, nhưng nhờ vào chiến lược phân biệt này, doanh nghiệp đã thành công trong việc thu hút khách hàng nữ.
Đối thủ cạnh tranh – Competitor
Các đối thủ cạnh tranh của Starbucks bao gồm “Doutor Coffee” và “Tully’s Coffee.” Trong khi, Doutor Coffee nổi bật với hình ảnh gần gũi và bình dân, trong khi Tully’s Coffee chú trọng vào chất lượng nguyên liệu và cung cấp các thực đơn có hiệu suất chi phí tốt. Mặc dù, Starbucks chiếm ưu thế vượt trội trong thị trường cà phê, các đối thủ cạnh tranh cũng đang triển khai các chiến lược tận dụng điểm mạnh của mình về giá cả và chất lượng.
Công ty – Company
Hiệu quả kinh doanh của Starbucks Coffee Japan rất khả quan, với doanh thu 209,2 tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9 năm 2021 vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid và doanh thu 253,9 tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9 năm 2022 (tăng 21,4% so với năm trước). Quy mô cửa hàng cũng ngày càng mở rộng, đạt 1.885 cửa hàng tính đến cuối tháng 9 năm 2023. Starbucks đặt mục tiêu mở 2.000 cửa hàng vào tháng 9 năm 2024.
Điểm mạnh của Starbucks là nội thất của nó rất phong cách và mang lại cảm giác sang trọng. Thương hiệu cũng mang đến sự hiếu khách cao cấp, cung cấp một không gian thoải mái không phải là nhà hay nơi làm việc của bạn mà là “nơi thứ ba.” Tuy nhiên, điểm yếu chính là cửa hàng quá phong cách, gây khó khăn cho người dùng lần đầu bước vào và thực đơn của nó đắt hơn so với các đối thủ.
McDonald’s
Thị trường/Khách hàng – Customer
Quy mô thị trường của ngành công nghiệp thức ăn nhanh là 1,3 nghìn tỷ yên, mặc dù doanh thu có giảm do dịch Covid-19, nhưng lượng tiêu thụ đồ ăn ngoài lại tăng lên do sự hạn chế tiếp xúc gần được nới lỏng và doanh số của 10 công ty hàng đầu đang tăng lên.
Khách hàng của McDonald’s thuộc nhiều độ tuổi từ sinh viên đến người đi làm. Đặc biệt, nhãn hàng đang tập trung vào việc thu hút các gia đình và Happy Set – bữa ăn kèm theo món đồ chơi độc quyền. Happy Set đã đạt doanh số vượt qua 100 triệu suất bán ra hàng năm, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các bậc phụ huynh và trẻ em.
Đối thủ cạnh tranh – Competitor
Đối thủ cạnh tranh của McDonald’s là các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn như Mos Burger và Lotteria. Tuy nhiên, McDonald’s hiện đứng ở vị trí số 1 cả về số lượng cửa hàng lẫn thị phần bán hàng, đồng thời đã xây dựng được một mô hình kinh doanh không có công ty nào sánh bằng. Tuy nhiên, Mos Burger có định hướng cao cấp và phát triển thực đơn sáng tạo, trong khi Lotteria trước đây đã tung ra các sản phẩm chú ý đến nhu cầu trong nước, chẳng hạn như “Ezo Deer Burger” và “Soy Veg Burger” và mỗi thương hiệu đều có sự khác biệt nhất định bằng cách làm nổi bật những đặc điểm độc đáo của mình.
Công ty – Company
Lợi nhuận của McDonald’s Japan Holdings lên tới 379 tỷ yên tính đến tháng 12 năm 2023, đánh dấu sự gia tăng cả về doanh thu và lợi nhuận so với năm trước đó. Lợi nhuận được dự báo sẽ tiếp tục tăng do mức chi tiêu trung bình cho mỗi khách hàng tăng nhờ việc điều chỉnh giá món trong thực đơn chính, cũng như tăng số lượng giao hàng mang về và giao hàng.
Điểm mạnh của McDonald’s là thời gian phục vụ thực phẩm cực kỳ nhanh chóng. Trong quy trình vận hành cửa hàng, McDonald’s áp dụng nhiều phương pháp tối ưu hóa và tiết kiệm lao động, đảm bảo việc phục vụ từ khi đặt hàng đến khi nhận sản phẩm được thực hiện một cách hiệu quả. Hệ thống đặt hàng và thanh toán qua di động mang lại sự tiện lợi vượt trội, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi bằng cách khai thác công nghệ số. Tuy nhiên, gần đây, sự gia tăng giá cả đã dẫn đến tình trạng khách hàng rời bỏ.
NITORI
Thị trường/Khách hàng – Customer
Quy mô của thị trường đồ nội thất và thiết kế nội thất đã đạt 2.354,1 tỷ yên và đang mở rộng qua từng năm. Đặc biệt, nhu cầu thay thế nội thất và đồ trang trí đã gia tăng nhanh chóng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, nhờ vào sự phổ biến của hình thức làm việc từ xa. Kể từ năm 2020, doanh thu trong ngành này đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Khách hàng của NITORI rất đa dạng, mục tiêu chính là nam nữ giới độc thân ở độ tuổi từ 20 đến 40 và các gia đình. Với slogan “Giá cả luôn rẻ”, NITORI cung cấp cung cấp nhiều lựa chọn về hàng nội thất, giường, ghế sofa, tủ đựng đồ, đồ gia dụng và dụng cụ nhà bếp với giá cả phải chăng.
Đối thủ cạnh tranh – Competitor
Các đối thủ cạnh tranh của NITORI bao gồm IKEA, Cainz, Muji, NITORI không chỉ xem xét các công ty khác trong cùng ngành là cùng một thị trường, mà còn cả các trung tâm gia đình và cửa hàng tạp hóa chuyên kinh doanh các nhu yếu phẩm hàng ngày. Tuy nhiên, Nitori vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về doanh thu trong ngành thiết kế nội thất, tự hào về sức mạnh vượt trội với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng kể từ năm 1988.
Công ty – Company
Doanh thu của Nitori đạt 948 tỷ yên tính đến năm 2023, đạt được 36 năm liên tiếp tăng doanh thu và lợi nhuận trên cơ sở lợi nhuận thông thường. Thành công này có được nhờ việc thiết lập một mô hình kinh doanh độc quyền trong lĩnh vực đồ nội thất và trang trí nhà ở, kết hợp giữa sản xuất, logistics và bán lẻ. Nitori đã áp dụng một phương pháp mới, trong đó toàn bộ quy trình từ thiết kế sản phẩm, thu mua nguyên liệu, sản xuất, logistics đến bán hàng được quản lý và điều hành bởi toàn bộ tập đoàn. Nhờ vào hệ thống độc quyền này, công ty đã thành công trong việc giảm thiểu chi phí trung gian và tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Tổng kết
Trên đây là kiến thức cơ bản, tầm quan trọng cũng như cách tiến hành phân tích 3C. Để xây dựng chiến lược và kế hoạch trong kinh doanh, điều quan trọng là phải hiểu rõ, phân tích chính xác nhiều yếu tố như tình hình hiện tại của công ty, đối thủ cạnh tranh và tiềm năng tương lai của thị trường.
Trong số đó, phân tích 3C có thể được coi là bước đầu tiên rất quan trọng trong phân tích marketing để dẫn dắt công ty đến thành công. Bằng cách phân tích chính xác ba yếu tố “Khách hàng & Thị trường,” “Đối thủ cạnh tranh,” và “Công ty” (3C), doanh nghiệp có thể hiểu rõ vị trí của mình trong thị trường và xác định được hướng đi cần thiết để phát triển.
Hy vọng bài viết này sẽ mang lại những gợi ý hữu ích cho quý doanh nghiệp.