Email Marketing là một hình thức Digital Marketing sử dụng email để kết nối với khách hàng và khuyến khích họ thực hiện hành động. Doanh nghiệp sẽ gửi các nội dung phù hợp vào thời điểm thích hợp cho nhóm khách hàng có nhu cầu mua hàng nhưng chưa thực hiện hành vi cụ thể để tiếp cận và nuôi dưỡng họ.
Trong những năm trở lại đây, khi các dịch vụ mạng xã hội như SNS ngày càng phổ biến thì có nhiều người cho rằng Email Marketing đã lỗi thời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng người dùng email vẫn đang tăng mạnh và email vẫn được coi là một nhân tố không thể thiếu trong lĩnh vực marketing.
Bài viết này sẽ giải thích những kiến thức về Email Marketing trên phương diện sử dụng email làm công cụ giao tiếp với khách hàng và tầm quan trọng của Email Marketing.
- 1 Email Marketing là gì?
- 2 Tại sao Email Marketing lại cần thiết đến như vậy?
- 3 Ưu nhược điểm của Email Marketing
- 4 5 loại Email Marketing
- 5 Phương pháp và thứ tự thực hiện Email Marketing
- 6 Những sai lầm thường gặp khi triển khai Email Marketing
- 7 Một số lưu ý khi triển khai Email Marketing
- 8 Công cụ cần thiết để ứng dụng Email Marketing
Email Marketing là gì?
Email Marketing là hình thức tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing) thông qua việc sử dụng email. Nói cách khác, Email Marketing chỉ quá trình doanh nghiệp gửi email để tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng sẵn có và thực hiện các chuỗi hành động tiếp theo dựa trên mức độ phản hồi của họ.
Email Marketing có rất nhiều hình thức khác nhau chẳng hạn email quảng cáo, bản tin email (email magazine), email từng bước (step email),… nhưng tất cả đều hướng đến mục đích chính là liên lạc với khách hàng tiềm năng, khuyến khích họ thực hiện các hành vi tiếp theo và dẫn đến mua hàng.
Sau đây sẽ là phần sơ lược về quá trình phát triển và ứng dụng Email Marketing
Lịch sử hình thành của Email Marketing
Trước tiên là nội dung tổng quan về quá trình phát triển của Email Marketing
Vào những năm 1990, các hình thức quảng cáo qua email bắt đầu xuất hiện và được biết đến rộng rãi trên thị trường. Sau đó loại hình này dần phát triển thành email magazine và cũng nhanh chóng trở nên phổ biến.
Cho đến năm 2010, rất nhiều doanh nghiệp sở hữu website, E-Commerce Website (trang thương mại điện tử) và tài khoản SNS riêng. Email magazine cũng phát triển tính năng thông báo đẩy để cập nhật website; chức năng kết nối đa phương tiện giữa thực tế và kỹ thuật số chẳng hạn như chức năng kết nối giữa các cửa hàng với nhau.
Nhiều suy nghĩ cho rằng Email Marketing chỉ còn là phương thức cũ do sự phát triển của SNS. Tuy nhiên, vào năm 2015, tính hiệu quả của nó lại được chứng minh thông qua việc đo lường hiệu ứng Marketing (MA) và cho đến hiện tại Email Marketing vẫn giữ vị thế quan trọng trong số các phương thức marketing.
Tại sao Email Marketing lại cần thiết đến như vậy?
Theo “Báo cáo kết quả khảo sát về thời gian và hành vi sử dụng phương tiện thông tin truyền thông” do Bộ Nội Vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố vào tháng 6 năm 2023 cho thấy
“Mặc dù SNS đang là công cụ liên lạc chủ đạo trong thời gian gần đây, nhưng kết quả khảo sát cho thấy sự chênh lệch lớn giữa tỉ lệ sử dụng email và SNS đối với độ tuổi trên 30, còn với nhóm đối tượng trên 40 tuổi, mức độ sử dụng email áp đảo việc sử dụng SNS.”
Trên thực tế, các hình thức chat đang ngày càng phổ biến như một công cụ giao tiếp trong nội bộ công ty, nhưng email vẫn được xem là phương thức chính khi liên lạc với các doanh nghiệp bên ngoài. Nói cách khác, email chính là công cụ giao tiếp quen thuộc nhất của tất cả thế hệ lao động.
Đây cũng là một trong những lý do rõ ràng nhất chứng minh sự thiết yếu của Email Marketing. Doanh nghiệp có thể cung cấp nội dung hữu ích cho nhiều khách hàng tiềm năng và biến việc này trở thành một chiến lược marketing hiệu quả bằng cách sử dụng email – phương tiện truyền thông gần gũi nhất đối với nhóm khách hàng mục tiêu.
Hơn nữa, nếu xét về cách thức thực hiện, vì email là công cụ quen thuộc và đang được sử dụng hàng ngày nên doanh nghiệp sẽ gặp ít trở ngại khi triển khai Email Marketing hơn các phương pháp yêu cầu sử dụng loại công cụ mới lạ.
Ngoài lý do trên, chúng tôi sẽ đưa ra một số yếu tố khác cho thấy “Tại sao Email Marketing vẫn rất cần thiết?”
Thị trường Email Marketing ngày càng phát triển
Email Marketing được coi là phương thức marketing có hiệu quả tuyệt vời trên thế giới.
Theo báo cáo khảo sát thị trường của công ty CP Global Information, tính đến năm 2028, quy mô thị trường thế giới của các phần mềm Email Marketing sẽ đạt 22 tỉ đô-la.
Căn cứ của điều này là do sự xuất hiện các công cụ gửi email sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – loại công cụ này đã cải thiện đáng kể về tốc độ tạo email, tính năng phân tích và đánh giá email, cho phép gửi nhiều email đến từng nhóm đối tượng khách hàng trong thời gian ngắn.
Hơn nữa, không giống các hình thức marketing khác, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện Email Marketing với nguồn ngân sách hạn chế nên một trong những điểm thu hút của Email Marketing chính là hiệu quả về mặt chi phí.
Email là công cụ quen thuộc với mọi người cho dù SNS ngày càng phổ biến, đây vẫn là một phương thức marketing hiệu quả và có tiềm năng trong tương lai. Vì vậy, Email Marketing tác động rất lớn đến lợi nhuận cũng như doanh thu của doanh nghiệp và luôn được coi là một phương thức marketing quan trọng.
Doanh nghiệp có thể giao tiếp thường xuyên với khách hàng
Một lý do khác cho thấy tầm quan trọng của Email Marketing chính là giúp doanh nghiệp giữ liên lạc thường xuyên với khách hàng mà không bị gián đoạn.
Quá trình cân nhắc mua hàng/sử dụng dịch vụ thường phải trải qua rất nhiều giai đoạn nên việc xác định đúng trạng thái của khách hàng thông qua tần suất liên lạc thường xuyên và cung cấp cho họ những thông tin phù hợp lại càng cần thiết.
Email chính là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, đồng thời, giúp doanh nghiệp thúc đẩy trạng thái cân nhắc của khách hàng qua việc cung cấp các nội dung hữu ích, phù hợp với từng nhóm khách hàng.
Ưu nhược điểm của Email Marketing
Nội dung trên đã đề cập đến tầm quan trọng của Email Marketing, tuy nhiên cũng như bất kỳ phương pháp marketing nào khác thì Email Marketing cũng có những ưu điểm lẫn nhược điểm riêng biệt.
Ưu điểm của Email Marketing
Vậy, Email Marketing có những ưu điểm nào nổi bật?
Tiết kiệm chi phí
Email Marketing giúp cho quá trình sản xuất nội dung nội bộ dễ dàng hơn. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể thực hiện Email Marketing ngay khi đã có danh sách khách hàng cần gửi và đủ ngân sách để sử dụng công cụ gửi email cũng như công cụ phân tích – đo lường hiệu quả. Do đó, đây là phương thức marketing có thể triển khai với chi phí tương đối thấp.
Hiệu quả đáng mong đợi
Ưu điểm lớn nhất của Email Marketing là doanh nghiệp có thể triển khai với ngân sách thấp nhưng kết quả lại có thể vượt mong đợi.
Khi gửi email, vì đã nhận được sự đồng ý của khách hàng tiềm năng (hoặc khách hàng hiện tại) nên sẽ dễ dàng đạt được kết quả về lượt mở email, liên kết và chuyển đổi. Thêm vào đó, email đang được sử dụng hàng ngày trong kinh doanh nên tỷ lệ phản hồi qua email sẽ cao hơn so với quảng cáo thông thường.
Nhược điểm của Email Marketing
Ngoài những ưu điểm trên thì khi triển khai Email Marketing doanh nghiệp cũng gặp phải một số điểm bất lợi như sau:
Không hiệu quả trong thời gian ngắn
Ngoại trừ email quảng cáo, nhìn chung Email Marketing xây dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng hoặc hiện tại bằng cách gửi nhiều email nên chúng thường khó phát huy hiệu quả nếu không được triển khai trong quá trình trung và dài hạn, điển hình là việc dùng email để nuôi dưỡng.
Trước khi đi vào thực hiện Email Marketing, doanh nghiệp cần chuẩn bị rất nhiều yếu tố chẳng hạn “Khi nào nên gửi loại email nào?” “Gửi cho ai?” “Tần suất gửi như thế nào?” và “Ai sẽ tạo nội dung?”. Vì thế, cần phải xây dựng một hệ thống logic để có thể vận hành trung và dài hạn.
Mất thời gian cho việc phát triển nội dung
Công đoạn gửi email và đo lường hiệu quả có thể được tự động hóa nhờ các công cụ kỹ thuật số (digital), nhưng việc xây dựng nội dung sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức. Khi chất lượng nội dung email được gửi đi không đảm bảo thì sẽ dẫn đến tình trạng khách hàng hủy đăng ký nhận email, cho nên doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực nhất định để phát triển nội dung một cách hiệu quả nhất.
Mặc dù doanh nghiệp có thể tối ưu hóa nhân công tùy theo mức độ công phu của nội dung email mong muốn, chẳng hạn gửi những bài viết đã được đăng tải trên website, tuy nhiên vẫn cần lưu ý tận dụng nhân công sao cho phù hợp với tình hình thực tế của công ty.
5 loại Email Marketing
Dưới đây là 5 loại Email Marketing được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến nhất.
Email quảng cáo
Email quảng cáo là hình thức quảng bá sản phẩm/dịch vụ trong một phần bản tin email (email magazine) hoặc toàn bộ email.
Ngoài ra, email quảng cáo còn xuất hiện dưới dạng văn bản hoặc HTML.
Điểm nổi bật của loại Email Marketing này là có thể tiếp cận trực tiếp những tài khoản email thuộc nhóm đối tượng mục tiêu mà không mất quá nhiều thời gian, nhưng ngược lại, các email gửi đến thường bị coi là email spam hoặc có những trường hợp khách hàng không thể xem hình ảnh, video do môi trường internet khác nhau.
Bản tin email (Email magazine)
Đây là hình thức gửi bản tin email theo định kỳ nhằm cung cấp thông tin của công ty tới nhóm người dùng đã đăng kí nhận email. Doanh nghiệp nên chọn lọc nội dung thông tin sẽ gửi sao cho hữu ích với tất cả người dùng. Ví dụ: Thông tin sản phẩm mới, chiến dịch sắp thực hiện…
Tuy nhiên, thông tin từ các bản tin email thường không đặc biệt nên khả năng dẫn đến chuyển đổi hành động khá thấp, vì thế, doanh nghiệp nên sử dụng kiểu Email Marketing này với mục đích thúc đẩy tương tác hơn là thu hút khách hàng hay chuyển đổi trạng thái mua hàng.
Email theo từng bước (Step email)
Step mail tự động gửi các email có nội dung tương ứng với mức độ cân nhắc và hành động của từng người dùng tại thời gian được định sẵn.
Chẳng hạn, để thúc đẩy hành động của các khách hàng đã tải catalog từ website, doanh nghiệp sẽ nâng cao mức độ quan tâm của nhóm khách hàng này bằng cách gửi email theo quy trình: (1) Thư cảm ơn, (2) Giới thiệu các key study về sản phẩm, (3) Thông tin các chiến lược; cuối cùng là dẫn dắt khách hàng đến việc tìm hiểu và mua hàng. Ngoài ra, cũng cần xây dựng bản đồ hành trình khách hàng (customer journey) của nhóm đối tượng mục tiêu, sau đó gửi những email với nội dung phù hợp với giai đoạn cân nhắc của họ.
Email phân khúc (Segmentation email)
Segmentation Email được hiểu là email phân khúc hay còn gọi là email nhắm mục tiêu (target email) chỉ việc phân nhóm tệp khách hàng tiềm năng theo các tiêu chí nhất định và cung cấp đúng thông tin họ cần.
Một số phương pháp segment thường được áp dụng đó là phân nhóm khách hàng dựa theo ngành nghề – quy mô doanh nghiệp, theo giới tính – lứa tuổi hoặc dựa trên các hành động của người dùng như lịch sử truy cập website, tải whitepaper,… Sau đó chỉ cần chuẩn bị đa dạng các nội dung và gửi email cần thiết gửi đến đúng nhóm đối tượng. Nếu đã quyết định thứ tự gửi email thì có thể kết hợp sử dụng step email. Khi các thông tin hữu ích được cung cấp cho đúng nhóm khách hàng thì tỉ lệ mở email và nhấp vào liên kết cũng sẽ tăng lên.
Email tái tương tác
Mục đích chính của loại Email Marketing này là gửi email định kỳ để kích thích lại sự quan tâm và tương tác của những khách hàng tiềm năng hoặc hiện tại đã không hoạt động trong một khoảng thời gian dài. Vì nhóm khách hàng này không còn hứng thú với những email cũ nên ở giai đoạn này sẽ cần làm mới tiêu đề cũng như nội dung email để thu hút họ quay trở lại. Khi họ có các hành động thể hiện sự quan tâm quay trở lại thì các bước tiếp cận sau đó sẽ là step email, segmentation email để đi đến đàm phán.
Phương pháp và thứ tự thực hiện Email Marketing
Vậy, cần chuẩn bị những gì để có thể thực hiện Email Marketing?
Công cụ hỗ trợ và quá trình thực hiện sẽ phụ thuộc vào phương thức áp dụng nhưng nhìn chung, cách triển khai chiến dịch Email Marketing hiệu quả sẽ bao gồm 5 bước chính.
Xác định mục tiêu
Đây là giai đoạn yêu cầu doanh nghiệp xác định được mục tiêu ban đầu và các vấn đề muốn giải quyết bằng Email Marketing sau đó mới đưa ra các mục tiêu cụ thể.
Ví dụ: Đặt KGI “tăng số lượt Q&A qua email lên XX mỗi tháng” là mục tiêu cuối cùng và đặt KPI (tỷ lệ mở, tỷ lệ nhận, CTR, v.v.) để đạt được mục tiêu đó.
Thu thập – tạo danh sách gửi email
Có thể tạo danh sách gửi email từ việc thu thập email của người dùng qua các cuộc khảo sát, hành động tải tài liệu, trao đổi danh thiếp hoặc khuyến khích họ đăng ký nhận email magazine của công ty mình. Khi số lượng người dùng càng nhiều thì việc phân chia thuộc tính càng dễ dàng và có thể đưa ra các hoạt động marketing phù hợp hơn, vì vậy hãy cố gắng làm gia tăng số lượng email nhiều nhất có thể.
Tạo email
Cần cân nhắc xây dựng những nội dung email phù hợp với tính chất của từng nhóm đối tượng để cung cấp thông tin đáp ứng được nhu cầu của họ.
Để xây dựng được một email hiệu quả thì trước tiên cần tạo bản đồ hành trình khách hàng (customer journey map) rồi xem xét liệu nội dung đưa ra có thể nuôi dưỡng người dùng và đưa họ đến giai đoạn tiếp theo hay không?
Gửi email
Sau khi tạo email hoàn chỉnh thì sẽ bắt đầu gửi đến các nhóm khách hàng. Hầu hết đối với các phương thức Email Marketing cần xử lý một lượng lớn email thì lựa chọn hỗ trợ tối ưu vẫn là sử dụng công cụ Marketing Automation (MA). Điều này không chỉ giúp giảm thiểu công sức, hạn chế sai sót mà còn làm tăng hiệu quả các hoạt động marketing.
Đo lường hiệu quả – Kiểm chứng – Cải thiện
Bước tiếp theo sau khi gửi email là đo lường hiệu quả bằng tính năng phân tích của công cụ được sử dụng. Doanh nghiệp sẽ phân tích dữ liệu chẳng hạn kiểm chứng tỉ lệ đạt được mục tiêu ban đầu hay giảm bớt số lượng gửi,…từ đó tìm ra những điểm cần cải thiện.
Sau khi hoàn thành công đoạn trên, hãy lặp lại quy trình từ bước đầu tiên là “Xác định mục tiêu” – “Gửi email” – “Cải thiện” chắc chắn doanh nghiệp sẽ thấy được những hiệu quả bất ngờ của Email Marketing.
Vậy thứ tự triển khai Email Marketing sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở phần dưới đây
Chiến lược marketing
Trước tiên, cần tiếp cận khách hàng tiềm năng bằng cách gửi email đến nhóm đối tượng mục tiêu đã thu thập được từ danh thiếp. Nhiều người sẽ cho rằng đây là chiến lược marketing không hiệu quả, nhưng tất cả những gì doanh nghiệp cần làm là áp dụng vào đúng thực tế với tình hình doanh nghiệp.
Khi bắt đầu bằng việc gửi email cho danh sách khách hàng hiện tại thì doanh nghiệp sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và dần dần nâng cao hiệu quả của Email Marketing.
Những sai lầm thường gặp khi triển khai Email Marketing
Chúng tôi đã tổng hợp các lỗi sai cơ bản thường gặp khi triển khai Email Marketing như sau
Trường hợp 1: Triển khai Email Marketing mà không xác định mục tiêu
Tỉ lệ tạo ra các cuộc đàm phán kinh doanh hoặc tăng doanh thu chỉ thông qua việc gửi email thường không mấy triển vọng. Vì vậy, trước khi áp dụng các phương pháp sử dụng email hãy xác định những hành động mà doanh nghiệp muốn khách hàng thực hiện dựa trên mục tiêu đã đề ra.
Trường hợp 2: Mục tiêu chỉ tập trung vào tỉ lệ mở email
Mặc dù tỷ lệ mở và tỷ lệ nhận email là những yếu tố rất quan trọng trong Email Marketing nhưng chúng chỉ là những chỉ tiêu trung gian giúp đạt được mục tiêu cuối cùng. Mục đích của Email Marketing không phải là trạng thái xem email mà quan trọng hơn là doanh nghiệp muốn thúc đẩy những hành động nào của khách hàng, muốn đạt được những mục tiêu nào và thực hiện chúng như thế nào từ việc họ xem email hoặc tìm hiểu gì về công ty cũng như dịch vụ đang cung cấp.
Phương pháp xây dựng KGI và KPI
Trong Email Marketing, mục tiêu cuối cùng mà doanh nghiệp muốn đạt được sẽ được gọi là KGI, chẳng hạn “doanh số và số lượng cuộc đàm phán kinh doanh”, và các chỉ số KPI là những yếu tố cụ thể để đạt được KGI (tỷ lệ nhận email, tỷ lệ mở, tỷ lệ click, v.v. .)
Tuy nhiên, thực chất KPI chỉ là công cụ đo lường hiệu suất mục tiêu, vì vậy hãy chú ý để “không đánh mất mục đích cuối cùng là tăng doanh thu”, bởi vì nếu quá tập trung vào KPI, doanh nghiệp rất dễ bỏ qua mục tiêu quan trọng nhất là doanh thu. Hãy lưu ý rằng doanh số bán hàng mới là mục tiêu cuối cùng của quá trình làm marketing.
Giá trị mục tiêu của số liệu đánh giá hiệu quả
Có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi đặt giá trị mục tiêu cho các số liệu đo lường hiệu quả nên nội dung dưới đây sẽ tổng hợp các giá trị mục tiêu thường được sử dụng làm kim chỉ nam khi thực hiện Email Marketing.
Những giá trị mục tiêu dưới đây chỉ là thông tin hướng dẫn nên doanh nghiệp có thể thay đổi linh hoạt từng yếu tố tùy thuộc vào ngành nghề, mối quan hệ với khách hàng mục tiêu, phương pháp khảo sát, v.v.
- Tỉ lệ nhận: Trên 90%
- Tỉ lệ mở: 15~30%
- Tỉ lệ click: Trên 1,5%
- Tỷ lệ chuyển đổi (CVR): Thay đổi tùy theo mục đích
- Tỷ lệ email lỗi (tỷ lệ không gửi được): Dưới 10%
- Tỷ lệ hủy đăng ký: Dưới 0,25%
Một số lưu ý khi triển khai Email Marketing
Hình thức xây dựng email
Có 3 điểm cần ghi nhớ khi tạo email
Thứ nhất, tập trung vào tiêu đề email. Một email với tiêu đề mờ nhạt thì sẽ dễ bị bỏ qua, vì vậy hãy tạo một tiêu đề thật độc đáo và cụ thể.
Thứ hai, chú ý đến thời gian đọc email (fastview). Thời gian lý tưởng để đọc lướt một email sẽ khoảng 7s nên hãy đặt liên kết ở nửa đầu email để thúc đẩy lượt click từ khách hàng.
Thứ ba, chỉ tập trung vào 1 nội dung. Email sẽ thu hút nhiều người quan tâm hơn nếu chúng có nội dung đi đúng trọng tâm và có cấu trúc đơn giản.
Các bước xây dựng nội dung email
Dưới đây là các bước xây dựng nội dung email và ví dụ tham khảo
Tạo headcopy
Headcopy là phần khái quát nội dung email.
Sau khi xác định đối tượng mục tiêu, hãy sử dụng những từ ngữ có thể thu hút phản ứng của khách hàng hoặc các từ khóa mang nét đặc trưng của sản phẩm.
Tạo bodycopy
Bodycopy là phần nội dung chính của email.
Phần này sẽ đưa ra những lợi ích khi giải quyết được vấn đề cũng như hiệu quả trong thực tế.
Tạo closingcopy
Closingcopy là phần thúc đẩy hành động người nhận nên hãy thêm các thông tin về ưu đãi, chiến dịch của sản phẩm/dịch vụ để thu hút sự quan tâm của khách hàng.
4 “KHÔNG” khi gửi email lần đầu
Khi đã hiểu rõ cách thức xây dựng email và đi vào thực hiện, doanh nghiệp cũng cần lưu ý khái niệm 4 “KHÔNG” dưới đây
4 “KHÔNG” là gì?
4 “KHÔNG” ở đây đều là các định nghĩa rất quan trọng trong Email Marketing, chúng lần lượt là “Không tin dùng”, “Không cần thiết”, “Không phù hợp” và “Không đúng lúc”.
Quan điểm 4 “KHÔNG” trong Email Marketing được hiểu là việc giải quyết các trạng thái “KHÔNG” của khách hàng bằng cách gửi email.
“Không cần thiết” – Suy nghĩ đầu tiên trong 4 “KHÔNG”
Điểm đầu tiên cần lưu ý khi gửi email là suy nghĩ “Không cần thiết” của khách hàng. Để tạo được các cuộc đàm phán kinh doanh với nhóm khách hàng này, trước tiên hãy xây dựng những email giải thích tầm quan trọng của sản phẩm/dịch vụ và loại bỏ trạng thái “Không cần thiết” của họ.
Điều này đồng nghĩa với việc không cần xem xét 3 “KHÔNG” còn lại trong lần gửi email đầu tiên, vì chúng không có hiệu quả tức thì và thường được gửi cho những dự án bị tuột mất hoặc đang chờ xử lý.
Quy trình xây dựng email loại bỏ sự “Không cần thiết”
Có 3 bước để tạo một email loại bỏ suy nghĩ “không cần thiết” của khách hàng. Đầu tiên, hãy đưa ra những ưu điểm và đặc điểm cụ thể về sản phẩm/dịch vụ của công ty.
Tiếp theo, hãy liệt kê ra những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải. Có thể hỏi đại diện kinh doanh nếu gặp khó khăn ở bước này. Cuối cùng, hãy chứng minh sản phẩm/dịch vụ của công ty có thể giải quyết vấn đề như thế nào. Hãy đưa ra 2-3 vấn đề để tăng tính thuyết phục.
Công cụ cần thiết để ứng dụng Email Marketing
Khi triển khai Email Marketing, các phương pháp thủ công chỉ phát huy hiệu quả với số lượng người nhận nhất định. Để gửi email cho số lượng lớn người nhận theo đúng lịch trình, đo lường hiệu quả (tỷ lệ nhận, tỷ lệ mở) và tổng hợp kết quả một cách nhanh chóng và chính xác, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của loại công cụ có chức năng chuyên biệt dành cho Email Marketing.
Công cụ gửi email
Doanh nghiệp có thể gửi email tự động với kịch bản và thời gian được định sẵn đến các nhóm khách hàng mục tiêu bằng công cụ gửi email.
Các tính năng cơ bản của một công cụ gửi email đó là quản lý danh sách người nhận, tạo email HTML và chèn tên người nhận. Ngoài ra một số công cụ khác còn có thể gửi “step email” theo kịch bản đã đặt trước.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nên cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng vì có những công cụ chỉ có tính năng gửi email mà không thể đo lường được hiệu quả sau khi gửi.
Công cụ Marketing Automation (MA)
Doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ Marketing Automation (MA) có tính năng gửi email để thực hiện Email Marketing một cách hiệu quả.
Ngoài việc tạo email HTML và gửi step email, công cụ MA còn có thể gửi email phân khúc với nội dung khác nhau đến từng phân đoạn với điều kiện khác nhau. Hơn nữa công cụ MA còn có thể gửi email dựa trên trạng thái của khách hàng tiềm năng sau khi tham chiếu thông tin khách hàng tiềm năng mới nhất.
Công cụ MA là phương tiện liên kết với lịch sử truy cập website, v.v., giúp doanh nghiệp hình dung rõ hơn từng động thái của khách hàng tiềm năng. Từ đó nắm bắt được xu hướng và mức độ quan tâm của khách hàng tiềm năng.