VN-MARKETING COMMUNITY | Cộng đồng Marketing tại Việt Nam
Cộng đồng Marketing tại Việt Nam

15.000 doanh nghiệp B2B ĐÃ ĐĂNG KÝ
  1. Trang chủ
  2. /
  3. Kiến thức cơ bản về Marketing
  4. /
  5. Website Marketing là gì? | Các phương pháp Website Marketing và đề xuất công cụ...

Website Marketing là gì? | Các phương pháp Website Marketing và đề xuất công cụ hỗ trợ phù hợp

Website Marketing là gì?

Thế giới Web Marketing đã và đang không ngừng thay đổi chóng mặt với tốc độ cải tiến kỹ thuật nhanh và những thông tin mới xuất hiện mỗi ngày. Số lượng doanh nghiệp sở hữu website cùng đội ngũ chuyên viên phụ trách cũng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên không phải mọi chuyên viên phụ trách đều có được cái nhìn tổng thể cũng như trình độ chuyên môn cao.

Trong bài viêt này chúng tôi sẽ giới thiệu những kiến thức cơ bản, phương pháp triển khai và công cụ hỗ trợ hữu ích cho người mới bắt đầu.

Website Marketing là gì?

Thuật ngữ này được dùng để chỉ những hoạt động marketing triển khai chủ yếu trên nền tảng website. Mục đích cốt lõi của hoạt động này là nâng cao nhận thức khách hàng về sản phẩm/ dịch vụ và thúc đẩy bán hàng trên môi trường website.

Khác biệt lớn nhất của nó khác với các phương thức marketing truyền thống là việc số hóa tất cả các kết quả của chiến lược đã thực hiện. Nếu chỉ bằng những phương thức offline như phát tờ rơi, gửi direct mail thì doanh nghiệp khó có thể nắm bắt được hành vi của khách hàng và hiệu quả đạt được. Trong khi đó, chiến lược này không chỉ cho phép doanh nghiệp theo dõi hành vi của khách truy cập website mà còn có thể kiểm tra được nguồn truy cập, những nội dung họ đã xem trước khi mua hàng,… bằng các số liệu thống kê cụ thể. Từ đó doanh nghiệp sẽ dễ dàng cải thiện chiến lược dựa trên kết quả đo lường.

Phân biệt Website Marketing và Digital Marketing

Trong những năm gần đây, sự phổ biến của thuật ngữ Digital Marketing đã khiến không ít người nhầm lẫn. Để phân biệt hai khái niệm này, ta chỉ cần hiểu đơn giản Web Marketing là một phần của Digital Marketing. Digital Marketing mang ý nghĩa rộng hơn bởi nó bao hàm cả nền tảng sử dụng internet khác như mạng xã hội.

trang web marketing

Các phương thức Website Marketing

Chiến lược Web Marketing được chia thành 3 giai đoạn gồm: “Thu hút khách hàng”, “Tiếp cận khách hàng (bán hàng)”, “Đặt hẹn lần sau”. Mỗi giai đoạn sẽ tương ứng với một số biện pháp sau đây.

sites marketing

SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)

SEO (viết tắt của Search Engine Optimization) nghĩa là tối ưu hóa nội dung để nâng cao thứ hạng website trên các công cụ tìm kiếm như Google. Mục tiêu ban đầu có thể là tăng lượt khách truy cập nhưng cuối cùng vẫn hướng đến tăng lượt chuyển đổi (mua hàng, liên hệ…) và tăng số lượng đàm phán kinh doanh.

Đây được xem là một trong những biện pháp hàng đầu để thu hút khách hàng trong Web Marketing. Bên cạnh ưu điểm là doanh nghiệp có thể giảm chi phí bằng cách tận dụng nguồn lực sẵn có, SEO vẫn còn hạn chế ở chỗ phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và mất quá trình dài mới thấy được hiệu quả.

・Listing ads

Listing ads là những quảng cáo được tự động hiển thị có liên quan đến từ khóa được người dùng tìm kiếm và nội dung website họ đang xem. Vì kết quả hiển thị phù hợp với nhu cầu (sở thích, mối bận tâm,..) của người dùng nên có thể nâng cao hiệu quả quảng cáo.

Nếu như SEO không mang lại hiệu quả tức thì, thì Listing ads là biện pháp được thực hiện song song để bù đắp khuyết điểm đó. Trước khi đạt được kết quả từ SEO, doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức quảng cáo này trong thời gian ngắn để gia tăng số lượt truy cập nhất định.

Quảng cáo Afifliate

Quảng cáo Affiliate là hình thức mà người quảng cáo sẽ nhận được hoa hồng trên mỗi đơn hàng thành công. Phương thức này thường phù hợp với doanh ngiệp B2C và chủ yếu được dùng để gia tăng lượt đăng ký thành viên, tải tài liệu cũng như mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Đối với hình thức quảng cáo này, khi một đường link thông tin của nhà quảng cáo được đăng trên website, blog hoặc bản tin email của đơn vị liên kết (chủ sở hữu phương tiện truyền thông), nếu khách truy cập vào các đường link đó có hành động chuyển đổi (như đăng ký thành viên, tải tài liệu, yêu cầu gửi bản mẫu, mua hàng, v.v.), thì đơn vị liên kết sẽ nhận được khoản hoa hồng tương đương với chi phí quảng cáo.

Khi triển khai quảng cáo Affiliate, về cơ bản doanh nghiệp sẽ sử dụng một dịch vụ có tên “ASP” (Nhà cung cấp dịch vụ liên kết) làm cầu nối giữa chủ sở hữu phương tiện truyền thông và nhà quảng cáo. Phí sử dụng ASP sẽ cố định hàng tháng nhưng vẫn có trường hợp rủi ro là doanh nghiệp sẽ không được quảng cáo nếu không có đơn vị liên kết nào lựa chọn mình thông qua ASP.

Ad Netword

Đây là phương thức quảng cáo trực tuyến đăng quảng cáo trên nhiều website. Thông thường để đăng quảng cáo thì doanh nghiệp cần phải ký hợp đồng với từng đơn vị truyền thông với các mức phí và hình thức đăng bài khác nhau. Về điểm này, Ad network đơn giản hơn vì nó cho phép doanh nghiệp đặt quảng cáo với một công ty mạng quảng cáo duy nhất.

Sau khi đăng quảng cáo, doanh nghiệp có thể nhận được dữ liệu về hiệu ứng quảng cáo bao gồm nhiều mục và định dạng. Đó cũng là một lợi thế vì có thể dễ dàng so sánh hiệu quả giữa các phương tiện truyền thông. Nhưng điểm bất lợi là quảng cáo sẽ được đặt đồng nhất trên các phương tiện thuộc sở hữu của công ty mạng quảng cáo, vì vậy khó tránh trường hợp đối tượng độc giả của các phương tiện trên không thuộc tệp khách hàng mà doanh nghiệp nhắm đến.

Quảng cáo mạng xã hội

Quảng cáo mạng xã hội là phương thức truyền bá thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Zalo, Twitter…

Nếu có thể thu hút sự quan tâm và yêu thích của người dùng mạng bằng những nội dung có sức ảnh hưởng mạnh, chắc chắn quảng cáo sẽ được lan truyền tự nhiên qua các nút chia sẻ. Điểm then chốt của loại hình quảng cáo này là nhà quảng cáo phải hiểu rõ các thuộc tính người dùng của từng mạng xã hội và tạo ra các mẩu quảng cáo dễ viral.

Retargeting

Đây là phương thức quảng cáo nhắm mục tiêu đến những người đã truy cập website trong quá khứ. Phương thức này giúp tiết kiệm chi phí vì nó thu hẹp phạm vi hiển thị quảng cáo trong những người dùng mạng có khả năng là khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp, chẳng hạn như những người quan tâm đến sản phẩm nhưng không chắc chắn về việc mua hàng, để có thể tiếp cận lại nhiều lần.

Cơ chế của loại hình quảng cáo này là chỉ hiển thị cho người dùng mạng có cookie được cung cấp cho trình duyệt khi truy cập vào website. Theo góc nhìn của người dùng, đó là hiện tượng quảng cáo trên các trang từng truy cập trước đây bám theo họ dù đang xem một trang khác, vì vậy nhà quảng cáo nên cân nhắc để tránh gây ấn tượng xấu.

Email marketing

Email marketing là phương thức tiếp cận khách hàng thông qua email, gồm có 2 loại: một là đăng nội dung quảng cáo và liên kết ở đầu và cuối email magazine, hai là xác định trước mối quan tâm của khách hàng để gửi email có nội dung quảng cáo phù hợp.

Chi phí quảng cáo sẽ tùy thuộc vào số lượng người nhận được quảng cáo hoặc tần suất nhấp vào link trong email. Tuy nhiên trong những năm gần đây, hiệu quả của Email marketing đang dần giảm sút do sự xuất hiện của các loại hình quảng cáo online khác.

Để đạt được hiệu quả khi sử dụng Email marketing, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ càng xem loại email nào nên gửi và hành động nào nên được ưu tiên. Tốt nhất nên gửi email có nội dung phù hợp với hành vi của từng khách hàng vào thời điểm thích hợp nhất.

Content marketing

Khác với Outbound marketing là hình thức doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận đối tượng mục tiêu bằng các cuộc gọi điện thoại hoặc quảng cáo trên TV, việc triển khai hoạt động marketing nhắm đến những khách hàng tiềm năng có sự quan tâm nhất định đối với sản phẩm/ dịch vụ của mình được gọi là Inbound marketing.

Content marketing cũng là một phần của Inbound marketing với hoạt động chính là sản xuất các whitepaper, key study và bài review. Không chỉ cung cấp thông tin một chiều, doanh nghiệp có thể tạo ra sự chuyển đổi bằng cách cung cấp nội dung mà đối tượng mục tiêu có khả năng quan tâm vào đúng thời điểm thông qua website hoặc mạng xã hội.

Phương pháp triển khai Website Marketing

Dưới đây là quy trình và ý tưởng để triển khai chi tiết:

Xác định mục đích

Trước tiên, doanh nghiệp cần xác định rõ mục đích muốn đạt được và đưa ra các mục tiêu cần thực hiện. Ví dụ, mục đích có thể là nâng cao độ nhận diện thương hiệu hoặc thúc đẩy hoạt động bán hàng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ dễ dàng xây dựng các chiến lược hơn và thu lại kết quả nhanh hơn bằng cách thiết lập mục đích mong muốn đạt được và vạch ra hướng đi cụ thể.

Đề ra mục tiêu

Hãy đặt ra các mục tiêu cụ thể dựa trên mục đích đã xác định và những con số cụ thể, chẳng hạn “Tăng doanh số bán hàng mỗi tháng lên 1,5 lần”, “Tăng mức độ nhận diện thương hiệu lên 30%”. Với mục tiêu như thế, doanh nghiệp sẽ thấy rõ được những điều cần làm để đạt đươc kết quả cuối cùng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu trên cơ sở thực tế. Thay vì những lý tưởng cao siêu không cần thiết, hãy đề ra mục tiêu có khả năng hoàn thành với kết quả ổn định.

Xác định đối tượng mục tiêu

Doanh nghiệp cũng cần xác định nhóm khách hàng có khả năng mua sản phẩm/ dịch vụ của mình, đồng thời đặt mục tiêu bán hàng để có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.

Chân dung đối tượng mục tiêu nên được thiết lập dựa trên thuộc tính của khách truy cập website như: tuổi, giới tính, nghề nghiệp và nơi sống, từ đó kiểm tra xem những đối tượng mang thuộc tính nào quan tâm đến sản phẩm/ dịch vụ của mình.

Xây dựng hành trình khách hàng

Hành trình khách hàng (Customer journey) là quá trình từ khi khách hàng mục tiêu quan tâm đến sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp cho đến khi mua và sử dụng chúng. Bằng cách xây dựng hành trình khách hàng, doanh nghiệp có thể hình dung được nhu cầu đa dạng của khách hàng và chi tiết quá trình mua hàng của họ, từ đó có thể quảng bá sản phẩm/ dịch vụ của mình hiệu quả hơn.

Điểm mấu chốt khi thiết lập hành trình khách hàng là doanh nghiệp phải thu thập thông tin khách hàng ở từng bộ phận, thực hiện phỏng vấn người tiêu dùng và nghiên cứu thị trường để nắm bắt nhu cầu và quy trình mua hàng của họ.

Đặt KPI

KPI (viết tắt của Key Performance Indicators) là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc. Trong trường hợp website bán hàng, KPI tương đương với số lần nhấp vào trang giới thiệu sản phẩm và tỉ lệ mua hàng.

Khi đặt ra KPI, doanh nghiệp có thể biết rõ liệu hoạt động marketing hiện tại có hiệu quả hay không và nắm được các vấn đề đang gặp phải. Đây là yếu tố không thể thiếu nếu doanh nghiệp muốn thực hiện các chiến lược một cách hiệu quả.

Thu thập và phân tích dữ liệu

Ở bước này cần xử lý hai loại dữ liệu: dữ liệu định lượng và dữ liệu định tính (không định lượng). Trong đó, việc phân tích dữ liệu số được gọi là “phân tích định lượng” và phân tích dữ liệu không thể biểu thị bằng số như phản hồi của người tiêu dùng là “phân tích định tính”.

Với phân tích định lượng, doanh nghiệp sẽ thu thập dữ liệu khách hàng thông qua các bảng khảo sát, phân tích số lượt truy cập trang bằng các công cụ như Google Analytics, xem xét chi phí CPL và số lượng thành viên đã đăng ký,… Phân tích định tính chủ yếu dựa trên dữ liệu bằng lời nói như phỏng vấn, bảng khảo sát mở và hiệu ứng truyền thông trên các trang mạng xã hội.

Xác định và cải thiện vấn đề

Khi đã nắm bắt được nhu cầu và ý định thực sự của người dùng mạng nhờ phân tích dữ liệu, doanh nghiệp cần xác định vấn đề đang gặp phải và xem xét các biện pháp cải thiện. Đây cũng là giai đoạn để doanh nghiệp xem xét xem liệu có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra hay không.

Ví dụ, nếu ngay từ đầu doanh nghiệp đã nhận ra vấn đề “lượng khách truy cập website quá ít” thì có thể đặt mục tiêu tăng số lượng khách truy cập lên bằng cách tăng cường phổ biến thông tin trên mạng xã hội hoặc điều chỉnh lại các nội dung đăng tải. Web marketing không phải là biện pháp có thể nhìn thấy hiệu quả trong thời gian ngắn, vì vậy doanh nghiệp nên bình tĩnh phân tích nguyên nhân của vấn đề thay vì quá lo lắng về nó.

Thế nhưng, việc phân tích hoặc cải thiện website mà không có mục tiêu cụ thể sẽ chẳng đem lại lợi ích gì nên nhất thiết cần phải có sự chuẩn bị trước. Để bắt đầu thu hút khách hàng, điều doanh nghiệp nên làm là cân bằng giữa các biện pháp ngắn hạn như quảng cáo Website với các biện pháp dài hạn như SEO và Content marketing.

Nội dung công việc của Website marketer

Tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, các Website marketer sẽ được phân công hỗ trợ các hoạt động kinh doanh khác và không cần bằng cấp đặc biệt nào cho công việc này.

Mục đích lớn nhất của Web Marketing là tăng doanh số bán hàng bằng cách giới thiệu các sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp thông qua website và xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng. Nội dung công việc của Website marketer có thể bao gồm các mục sau:

・Lập kế hoạch nội dung website

・Vận hành website

・SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm)

・Chạy quảng cáo cho website

・Quản lý mạng xã hội

・Phân tích dữ liệu và nêu biện pháp cải thiện

Dù là biện pháp nào thì nội dung vẫn là yếu tố bắt buộc phải có. Ngoài ra, các kiến thức kĩ thuật về tốc độ hiển thị website, bảo mật,… cũng rất cần thiết khi làm SEO. Website marketer cũng cần theo dõi các xu hướng mới nhất và trở thành cầu nối giao tiếp giữa trong – ngoài doanh nghiệp thông qua website.

Công cụ phù hợp với Website Marketing

・Marketing Automation

Marketing Automation là công cụ giúp lập biểu đồ và tự động hóa các hoạt động marketing trong quá trình khai thác khách hàng. Công cụ này đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp không thể theo dõi khách hàng tiềm năng của mình do thiếu nguồn nhân lực. Công cụ Marketing Automation sẽ có loại trả phí/ miễn phí với nhiều hình thức khác nhau.

・CMS (Contents Management System)

CMS là công cụ hỗ trợ tạo website dành cho cả những người không có kiến ​​thức về HTML. Công cụ này còn giúp đo lường và quản lý các số liệu thu thập từ website như số lượt truy cập, liên hệ… Một số hệ thống CMS tích hợp cả những tính năng giúp giảm bớt khối lượng công việc cho nhân viên.

Công cụ phân tích lưu lượng truy cập

Công cụ này được dùng để phân tích thông tin của khách truy cập website như tên doanh nghiệp, địa chỉ website, các kênh truyền thông sở hữu (Owned media) của họ. Một số công cụ đang thịnh hành có thể kể đến Google Analytics, GRC,…

Các Website marketer có thể nắm bắt và phân tích lưu lượng truy cập lẫn hành vi của khách hàng trên website, từ đó xây dựng các biện pháp cải thiện website để tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Hiện nay có rất nhiều website và sách hướng dẫn sử dụng Google Analytics. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cảm thấy việc phân tích thủ công quá rắc rối thì nên sử dụng loại công cụ tự động phân tích kết quả truy cập và thiết lập chính sách cải tiến.

・Công cụ A/B Testing

A/B Testing là một biện pháp marketing nhằm tối ưu trang đích (LPO) qua việc tạo các “mẫu test A”, mẫu test B” có sự khác nhau về nội dung (slogan quảng cáo, màu sắc, hình ảnh v.v.) để so sánh hiệu quả. A/B Testing cho phép đo lường hiệu quả trong việc cải thiện tỉ lệ chuyển đổi.

Google Analytics cũng có tính năng đo lường hiệu quả của A/B Testing miễn phí và có thể thực hiện A/B Testing để so sánh hai mẫu website. Ngoài ra có khá ít công cụ A/B Testing miễn phí nên nếu muốn thực hiện A/B Testing chuyên sâu hơn thì doanh nghiệp nên xem xét mua các công cụ trả phí.

Những lưu ý trong Website Marketing

Bên cạnh những lợi ích kể trên, các biện pháp Web marketing tuy đa dạng nhưng cũng rất tốn kém cả về ngân sách lẫn thời gian. Hơn nữa, có rất nhiều đối thủ cạnh tranh cũng đang tận dụng chiến lược này nên không ít trường hợp doanh nghiệp sẽ không thể thu hút khách hàng hoặc tăng doanh số bán hàng như mong đợi.

Điều cần lưu ý đầu tiên là nên triển khai các chiến lược phù hợp và lâu dài. Thông thường doanh nghiệp sẽ thấy được hiệu quả sau 6-12 tháng. Doanh nghiệp cũng cần phân tích xu hướng mua hàng của khách hàng mục tiêu, xác định mức độ hiệu quả của website và mạng xã hội, cũng như khoảng thời gian tối thiểu để đạt được hiệu quả. Bên cạnh các biện pháp tiêu tốn nhiều thời gian như SEO, doanh nghiệp có thể tận dụng đồng thời Listing ads để đạt được mục tiêu nhanh chóng.

Ngoài ra, việc cung cấp nội dung phù hợp với nhu cầu của khách hàng và có hướng dẫn chi tiết trên website cũng không kém phần quan trọng. Nếu chất lượng nội dung kém, chẳng những chúng sẽ không mang lại hiệu quả mà còn có thể gây tổn hại đến uy tín của thương hiệu.

Dựa trên dữ liệu từ website, doanh nghiệp có thể kiểm tra chi tiết xem có bao nhiêu khách hàng đến từ quảng cáo nào, bao nhiêu người ở lại trang nào và trong bao lâu,… để từ đó đưa ra các biện pháp cải tiến nhằm tăng hiệu quả thu hút khách hàng và bán hàng.

Tổng kết

Khi Digital Marketing đã và đang dần đóng vai trò quan trọng trong chiến lược marketing hiện đại, Website marketing cũng được nhiều doanh nghiệp đặt làm trọng tâm. Song song với việc số hóa các kênh ngoại tuyến truyền thống và đa dạng hóa kênh thu hút khách hàng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy việc vận hành marketing từ xa nên vai trò của website ngày càng được khẳng định.

Quý doạnh nghiệp hãy thử vận dụng Website Marketing bằng các công cụ hỗ trợ và biện pháp hợp lý nhé!

Chia sẻ bài viết
Các bài viết liên quan